CII khởi động dồn vốn vào Thủ Thiêm 2018 – 2020
Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) sẽ rót 3.400 tỉ đồng để đầu tư các dự án hạ tầng và bất động sản trong giai đoạn 2018-2020.
Thông tin này được CII cho biết tại buổi tiếp xúc với các nhà đầu tư diễn ra tại TPHCM chiều 29-8.
Theo tài liệu được gửi đến nhà đầu tư, CII cho biết, giai đoạn 2018-2020 được đánh giá là giai đoạn tăng trưởng mạnh của công ty. Trong giai đoạn này, tổng số vốn mà CII chi ra để đầu tư các dự án là 3.400 tỉ đồng, trong đó đầu tư các dự án hạ tầng là 1.640 tỉ đồng, đầu tư cho mảng bất động sản là 1.760 tỉ đồng.
Ở mảng hạ tầng (cầu đường) trong 3 năm tới, CII sẽ đầu tư dự án cầu, đường Bình Triệu giai đoạn 2 với mức đầu tư 300 tỉ đồng; mở rộng xa lộ Hà Nội 520 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, CII sẽ thực hiện các dự án M&A như mua lại cổ phiếu của các dự án tiềm năng vẫn chưa triển khai và tăng tỷ lệ sở hữu trong các dự án mà CII vẫn chưa phải là cổ đông chính. Dự kiến tổng số vốn đầu tư cho mảng cầu đường của CII trong 3 năm tới là 1.640 tỉ đồng.
Việc thực hiện các dự án M&A sẽ đảm bảo tăng trưởng dài hạn khi tiếp tục phát triển và tăng cổ phần trong các dự án lớn như dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Đồng thời, CII tăng hiệu quả hoạt động bằng việc tập trung đầu tư vào khu vực ĐBSCL và TPHCM, nơi CII đã và đang thành lập một danh mục đầu tư vững chắc vào các dự án BOT.
Đối với mảng bất động sản, giai đoạn 2018-2020, CII sẽ đầu tư dự án Thủ Thiêm Riverpark với số vốn 950 tỉ đồng. Dự án Riverpark sẽ được CII hợp tác với Hong Kong Land để phát triển dự án căn hộ cao cấp. Một dự án khác là cao ốc 152 Điện Biên Phủ cũng được tiến hành xây dựng với số vốn 310 tỉ đồng.
Ở khu vực Thủ Thiêm, CII sẽ đầu tư dự án BT Thủ Thiêm (giai đoạn 2) bằng việc xây dựng một hồ trung tâm ở khu vực trung tâm và đổi lại sẽ nhận thêm đất ở khu vực này. Mảng bất động sản trong giai đoạn 2018-2020, CII sẽ đầu tư với tổng số vốn 1.760 tỉ đồng.
Riêng ở mảng nước, giai đoạn 2018-2020, CII sẽ tập trung vào các danh mục đầu tư hiện hữu , đặc biệt là các dự án trọng điểm như dự án Tân Hiệp 2 và dự án Củ Chi. CII không đầu tư mới các dự án nước và không tham gia M&A các công ty nước.
Để có được số vốn 3.400 tỉ đồng, CII sẽ huy động từ việc phát hành mới cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 (một cổ phiếu mới cho 2 cổ phiếu hiện hữu) trước khi kết thúc năm 2017. Giá phát hành mới sẽ là 15.000 đồng/cổ phiếu. CII kỳ vọng khi phát hành thêm cổ phiếu sẽ tăng vốn thêm 1.850 tỉ đồng. Ngoài việc phát hành thêm cổ phiếu CII sẽ có dòng tiền từ nội bộ công ty và vay nợ bổ sung 1.550 tỉ đồng.
Với số vốn chi ra rất lớn, dự kiến, lợi nhuận năm 2018 của CII sẽ đạt 1.459 tỉ đồng và tăng lên 2.019 tỉ đồng vào năm 2020. Lợi nhuận trong giai đoạn này tăng trưởng ở mức 18%/năm.
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về những rủi ro của dự án BOT trong thời gian tới, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết, đầu tư BOT hiện nay rất nhạy cảm nên hiện giờ không còn dự án BOT tốt. Chính vì thế từ năm 2015, CII đã dừng tìm kiếm và đầu tư các dự án BOT nhỏ.
Các nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi khi BOT rủi ro thì CII có chuyển sang đầu tư theo hình thức BT hay không? Ông Bình cho hay, CII không chuyển sang hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) mà vẫn làm các dự án BOT, tuy nhiên chỉ làm những dự án lớn có số vốn trên 10.000 tỉ đồng vì dự án kiểu này quy mô, tình chất và thủ tục sẽ khác các dự án nhỏ.
“CII sẽ làm các dự án mang tính chất BOT nhiều hơn ngày xưa, có nghĩa là sẽ xây dựng hẳn một con đường mới chứ không phải làm trên con đường cũ. Khi đó, sẽ có 2 con đường song song để người dân chọn nếu muốn đi nhanh thì đi đường BOT, còn không đi đường cũ”, ông Bình phân tích.
TBKTSG online