Nhiều thay đổi trong dự án luật về đặc khu kinh tế
So với dự thảo luật được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp trước, dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 4-4 có nhiều nội dung được điều chỉnh.
Dự luật đã gắn tên với các đơn vị cụ thể, mang tên mới là Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Trở về mô hình chính quyền cũ
Không còn phương án tổ chức chính quyền đặc khu với trưởng đặc khu, không tổ chức HĐND như trước đây, nay dự luật quy định: “Chính quyền địa phương ở đặc khu là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND đặc khu và UBND đặc khu”.
HĐND đặc khu không quá 15 đại biểu, UBND có chủ tịch và hai phó chủ tịch.
“Chính quyền địa phương ở đặc khu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố thuộc tỉnh và ở phường theo quy định của pháp luật có liên quan và nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật này”.
Hơn nữa, quy trình bầu cử, phê chuẩn Chủ tịch UBND đặc khu lại được quy định khá phức tạp: “Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trên cơ sở thống nhất với Chủ tịch UBND cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn”.
Đại biểu Tô Văn Tám đồng tình với quy định mới trong dự thảo luật, đặc khu là một cấp chính quyền địa phương, có cả HĐND và UBND.
Ông đề nghị quy định rõ về số lượng tối đa 15 đại biểu HĐND ở đặc khu và không nên quy định chung chung “đa số là chuyên trách”, cũng không nên có hai văn phòng (HĐND, UBND) vì như vậy sẽ lãng phí.
Không nghĩ như vậy, đại biểu Bùi Văn Phương bình luận: đã nói “đặc biệt” thì phải có kinh tế đặc biệt và hành chính đặc biệt. Hôm trước chúng ta sợ giao quá nhiều quyền cho trưởng đặc khu thì sợ lạm quyền, nay chúng ta lại quay lại mô hình có cả HĐND và UBND, trở lại với mô hình thông thường, thì chẳng có gì đặc biệt.
“Tôi đề nghị không tổ chức HĐND ở đặc khu. Cái gốc của lạm quyền không chỉ là thiếu giám sát mà là thiếu công khai, minh bạch. Vừa qua chính sự lạm dụng dấu “mật” để bưng bít các quyết định, bưng bít hồ sơ các dự án nên dân không giám sát được. Đây mới là cái gốc” – ông Phương bày tỏ.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, không nên ban hành một đạo luật gắn với tên cụ thể ba đơn vị hành chính như vậy, bởi mỗi đơn vị hành chính kinh tế – đặc biệt có vị trí, vai trò, thế mạnh khác nhau. Phải chăng, chúng ta nên thí điểm một đặc khu trước, sau đó mới mở rộng ra thí điểm tại ba đặc khu.
Lo lắng thương tổn chủ quyền
Về quy định thời hạn giao đất, cho thuê đất, điều 32 dự thảo luật viết: “Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.
So với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp trước, quy định này có giới hạn hơn về thời gian giao quyền sử dụng đất, cơ bản các dự án chỉ được giao tối đa 70 năm như quy định của Luật Đất đai.
Tuy vậy, một số đại biểu Quốc hội vẫn chưa yên tâm với quy định này, đặc biệt là sự lo lắng ở khía cạnh chủ quyền.
“Cử tri TP.HCM nói rằng ba vị trí trên rất đặc biệt, dễ tổn thương về quốc phòng, do đó chúng ta cần nghe ý kiến các chuyên gia về an ninh, quốc phòng bình luận về vấn đề này” – đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê lên tiếng.
Ông Khuê phân tích: “Sau này con cháu chúng ta sẽ xử lý như thế nào nếu liên quan đến khía cạnh quốc phòng, an ninh. Cử tri TP.HCM rất lo lắng về quy định này, đặc biệt vì nó liên quan đến ưu đãi đầu tư nước ngoài. Chúng ta không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế và chúng ta cũng không thể đánh đổi chủ quyền vì mục tiêu kinh tế. Do đó, phải quy định rõ những dự án, lĩnh vực đầu tư mà nước ngoài không được phép tham gia”.
Đại biểu Lê Thanh Vân nói: “Ba địa điểm được lựa chọn có vị trí đặc biệt, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Chúng ta lại sống cạnh quốc gia có tư tưởng bá quyền, có nhiều hành động xâm lấn biển đảo. Thế giới cũng cảnh báo rằng đang có xu hướng thay đổi từ quyền lực cứng sang quyền lực mềm, đó là mua chuộc, chi phối cán bộ và xâm lấn thông qua sở hữu đất đai, đầu tư kinh tế. Với những ưu đãi như vậy, tôi rất lo lắng”.
Dự kiến dự án luật sẽ được trình Quốc hội thảo luận lần cuối và xem xét thông qua vào kỳ họp giữa năm 2018, sau đó sẽ thành lập các đặc khu kinh tế.
Chính sách của Nhà nước về phát triển đặc khu
1. Nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút đầu tư vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển của đặc khu; xây dựng các đặc khu theo hướng xanh – tri thức – bền vững, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, hình thành môi trường sống văn minh, hiện đại, chất lượng cao; bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị – xã hội tại đặc khu.
2. Chính quyền địa phương ở đặc khu có bộ máy quản lý hành chính tinh gọn; có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; được áp dụng thủ tục hành chính thuận lợi, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân.
Theo tuoitre